“Đã mắt” với những công trình kiến trúc Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng đã vươn mình trở thành thành phố đáng sống, thu hút du khách và phát triển hiện đại như ngày nay, trong đó những công trình kiến trúc Đà Nẵng đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển vượt bậc đó.
“Đã mắt” với những công trình kiến trúc Đà Nẵng
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng
Được xây dựng theo hình của trái bắp (ngô), tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng trở nên rất đặc biệt, độc đáo với du khách. Từ xa tòa nhà như trái bắp khổng lồ, là nơi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công của cả thành phố.
Với mong muốn giảm sự phiền hà khi phải di chuyển nhiều để giao dịch với chính quyền, ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Bí thư thành ủy đã quyết định xây dựng tòa nhà hành chính tập trung. Tòa nhà khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công.
Tòa nhà hành chính được khởi công từ tháng 11-2008 với tổng vốn đầu tư xây dựng sau nhiều lần điều chỉnh là 2.321 tỷ đồng. Sau 6 năm thi công, tòa nhà hoàn thiện đi vào hoạt động tháng 9 năm 2014.
Đây cũng là tòa nhà cao nhất miền Trung khi có độ cao 166,8m. Được trang bị 21.00m vuông kính cường lực có khả năng tiết kiệm năng lượng, chống hấp thu nhiệt, mỗi tấm kính cường lực được hình dung như những “hạt bắp” của “trái bắp khổng lồ”.
Nhà thờ chánh tòa Đà Nẵng
Nhà thờ chánh tòa cũng nằm trong danh sách những công trình kiến trúc Đà Nẵng độc đáo. Tọa lạc tại số 156 Trần Phú, nhà thờ được khởi công xây dựng từ tháng 2-1923, do linh mục Louis Vallet chủ công xây dựng và phác thảo phối cảnh tổng thể, trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú).
Nhà thờ Chánh tòa cao gần 70m, là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại thành phố Đà Nẵng thời Pháp thuộc. Kiến trúc của nhà thờ đi theo kiểu Gothique với những đường nét cao vút, những vòng cửa hình quả trám. Bên trong nhà thờ có các tranh ảnh và tượng Chúa minh họa theo thánh kinh bài trí theo dạng mỹ thuật ở các nhà thờ tại phương Tây.
Sau lưng nhà thờ là hang đá Đức Mẹ được bài trí phỏng theo mẫu hang đá Lourdes ở Pháp. Nhà thờ có nhiều tên gọi: nhà thờ Tourane (thời Pháp thuộc); nhà thờ Con Gà (trên nóc nhà thờ có biểu tượng con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng).
Theo giải thích của Cha xứ, con gà trên nóc nhà thờ là biểu tượng gắn liền với chuyện Thánh Phêrô ghi trong Phúc âm nhắc nhở sự sám hối, thức tỉnh. Và từ năm 1963, giáo xứ chính thức gọi là Nhà thờ giáo xứ Chánh tòa Đà Nẵng.
Công viên APEC mở rộng
Khởi công xây dựng vào tháng 10-2020, công viên APEC mở rộng có diện tích 8.668m vuông với tổng mức đầu tư 759,15 tỷ đồng tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu.
Công trình độc đáo này gồm 1 tầng hầm, tầng 1, tầng 2 (tầng mái) có mái vòm là điểm nhấn chính với hệ kết cấu mái vòm rộng, không gian phía dưới sử dụng cho hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Chiều cao công trình tổng cộng 15,7m.
Kiến trúc của mái vòm uốn lượn với hình dáng của cánh diều bay cao, thể hiện sự phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị đối với toàn bộ miền Trung trong giai đoạn mới.
Công viên biển Đông
Công viên biển Đông là công trình kiến trúc Đà Nẵng đặc biệt từ tên gọi, vị trí, kiến trúc và cả ý nghĩa của công trình. Được xây dựng từ đầu đường Phạm Văn Đồng và chạy dọc theo biển trên đường Hoàng Sa. Công viên được xây dựng ở vị trí hướng thẳng tầm nhìn ra quần đảo Hoàng Sa.
Khách đến Đà Nẵng đều đi dạo trên con đường lát gạch, giữa những hàng cây xanh, tận hưởng không khí trong lành trong công viên. Không cổng chào hay cửa ra vào, không gian của công viên rộng mở giúp du khách có cảm giác tự do thư thái.
Công viên còn là lựa chọn thú vị của các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và những cặp đôi chụp ảnh cưới. Những người yêu thích thiên nhiên cũng thích đến công viên để ngắm những chú chim bồ câu đang được nuôi dưỡng tại đây. Vườn chim bồ câu được hình thành từ tháng 3-2009, đến nay lượng chim đã tăng lên hơn 1.050 con.
Một điểm cộng khác của công viên là việc bố trí các bức tượng điêu khắc trong công viên. Nổi bật là bức tượng “Mẹ Âu Cơ” của điêu khắc gia Lê Công Thành như một biểu trưng của công viên Biển Đông.
Công viên Biển Đông là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, trong đó có chương trình “Điểm hẹn mùa hè” được tổ chức thường niên từ năm 2012. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động thể thao trên biển như cưỡi phao chuối, lướt sóng cùng jetski, dù lượn trên không…; các lễ hội đường phố, ẩm thực, văn hóa…
Những công trình kiến trúc Đà Nẵng giúp diện mạo thành phố văn minh, hiện đại và đẹp hơn trong mắt du khách, làm tăng lượng khách lưu trú dài ngày ở thành phố Đà Nẵng. Hãy theo dõi những bài viết mới nhất tại blog iVIVU để cập nhật các thông tin hữu ích cho chuyến du lịch của mình.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com