Danh thắng Yên Tử – Vùng đất thiêng, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm
Danh thắng Yên Tử là nơi ghi dấu vua Trần Nhân Tông hóa Phật, nơi ngài lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt!
Danh thắng Yên Tử – Vùng đất thiêng, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm
Giá trị văn hóa lịch sử của danh thắng Yên Tử
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền mang bản sắc riêng biệt của dân tộc. Thiền phái quan niệm rằng: Phật ở ngay trong tâm, không phải ở nơi nào xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là người thầy dẫn dắt, không phải thánh thần.
Nếu tâm an định, sáng suốt, buông bỏ tham sân si… để sống thanh tịnh thì trí sẽ sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, hết mọi khổ đau, tự nhiên sẽ giác ngộ. Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lấy bản thân con người làm gốc. Thiền phái Trúc Lâm vì thế đã là nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời nhà Trần hoàng kim.
Khi Thiền phái Trúc Lâm ở đỉnh cao, danh thắng Yên Tử bao gồm một vùng rộng lớn với những kiến trúc tiêu biểu: Long Động, Hoa Yên, Vân Tiêu (Uông Bí), Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân (Đông Triều), Thanh Mai, Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) và những công trình khác ở vùng núi phía Tây Yên Tử.
Dấu tích hiện tồn tại ở Yên Tử ngày nay là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi; hàng chục nền móng chùa, am; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành…
Trong hai cuộc kháng chiến dành lại độc lập từ đế quốc, thực dân, danh thắng Yên Tử là căn cứ địa cách mạng, nơi bộ đội ta tập luyện, cũng là vọng gác canh giữ bầu trời Việt Nam.
Giá trị tâm linh của danh thắng
Tương truyền, hơn 2.000 năm trước, Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái thuốc, luyện thần dược trường sinh và chữa bệnh cứu người, khi mất hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” thành “Yên Tử”.
Sau đó đây là nơi tu hành của của các bậc anh hào hiền lương, từ Tổ Hiện Quang thời Lý đến các Tổ: Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Tam Tổ Trúc Lâm… thời Trần, từ Tổ Chân Nguyên thời Lê đến Ni Sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX).
Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) làm vua ở tuổi 20. Sau khi tập hợp sức đánh thắng giặc Nguyên Mông, ngài thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng.
Từ bỏ ngôi vua ở tuổi 35, ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu hành khổ hạnh. Từ một nhà vua, ngài trở về ngôi tôn quý của nhà Phật. Ngài mất ở am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử, tháp Huệ Quang thờ xá lợi của ngài.
Giá trị thiên nhiên của Yên Tử
Về danh thắng Yên Tử bạn sẽ về với núi rừng vùng Đông Bắc Việt Nam. Vùng này rừng núi trùng điệp, các dải núi đều chầu về núi Yên Tử, đẹp như trong bức tranh thủy mặc.
Đỉnh núi ngày nay còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất cách đây 10 triệu năm, trong núi có mỏ than rất lớn. Rừng tự nhiên vẫn còn lưu giữ nhiều nguồn gen động và thực vật.
Trong 206 loài động vật ở đây, có hơn 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ: sóc bay, ếch ang, thằn lằn cá sấu, ếch gai, voọc mũi hếch… Trong số 830 loài thực vật, có 38 loài đặc hữu quý hiếm như: táu mật, lát hoa, la hán rừng, lim xanh, vù hương, kim giao, thông tre…
Không những vậy, nơi đây còn hiện hữu những hàng tùng, những vườn cây ăn quả hơn bảy trăm năm, rừng trúc bạt ngàn, vạt mai vàng, khóm cúc hoa nở rộ khiến danh thắng càng trở nên tuyệt diệu trong mắt khách du hành.
Danh thắng Yên Tử từ lâu đã trở thành đất Phật thiêng liêng, là nơi hành hương yêu thích của các Phật tử mộ đạo và những người yêu thích thiên nhiên kỳ vĩ. Hãy theo dõi blog iVIVU để nhận nhiều hơn những bài viết hữu ích!
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU