Tháp gốm men chùa Trò – Bảo vật quốc gia độc đáo ở Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã tích tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nơi đây có một bảo vật vô cùng đặc biệt thể hiện tài hoa và sự sáng tạo của những người thợ gốm từ nhiều thế kỷ trước, đó là tháp gốm men chùa Trò.
Tháp gốm men chùa Trò – Bảo vật quốc gia độc đáo ở Vĩnh Phúc
Tháp gốm men chùa Trò đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018. Tháp gốm vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Vì là cây tháp thờ nên được đặt trang nghiêm trước cửa chùa. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời Lý – Trần.
Toàn bộ tháp được trang trí hoa văn với các đề tài vô cùng phong phú như: hoa sen, hoa cúc, lá đề, hoa lá dây, rồng, mây, sừng tê, ngọc báu, Kinari, tượng Phật, bảo tháp… mang đậm yếu tố của nghệ thuật Phật giáo.
Đây là tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Tháp được làm bằng gốm tráng men với ba màu, xanh ngọc, trắng và nâu. Tháp có dạng khối hộp hình vuông rộng ở đế và thu nhỏ dần ở chân tháp. Lòng tháp rỗng, hiện còn 9 tầng tháp.
Đế tháp được tạo 4 khối tương tự rồi ghép lại thành khối hộp vuông vững chắc, trên đế có 2 băng hoa văn; bệ tháp là một khối hộp hình vuông, có 4 chân quỳ trang trí hình lá đề ở 4 góc; thân tháp cũng là một khối hộp vuông được làm rời nhau. Có 446 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, đâu đâu cũng có Đức Phật.
Tháp gốm men chùa Trò là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men rất hoàn thiện sau thế kỷ X. Tháp gốm đã phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo, khi tôn giáo này được hai triều Lý và Trần công nhận là Quốc giáo.
Hoa văn trang trí trên tháp còn phản ánh sự dung nạp Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và nghệ thuật Chăm Pa của người Việt với thái độ mềm dẻo, nhưng cũng khẳng định sự kế thừa những yếu tố truyền thống Đông Sơn được biểu hiện qua băng hoa văn kỷ hà, khắc họa trên diềm mái các tầng trên của tháp.
Kỹ thuật trang trí hoa văn trên tháp có sự phối kết giữa đắp nổi và khắc chìm, được bố cục chặt chẽ, tôn lên từ chính các họa tiết và màu men. Tất cả đã tạo nên sự khác biệt của tháp gốm men chùa Trò và trở thành tác phẩm độc nhất vô nhị trong phả hệ gốm Việt Nam thời Đại Việt.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com