Chùa Bầu – Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Phủ Lý, Hà Nam
Chùa Bầu hay Thiên Bảo tự thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, là nơi chốn linh thiêng lâu đời của vùng đất chiêm trũng rộng lớn với những truyền thuyết được truyền tụng theo thời gian và trở thành niềm tự hào của người dân.
Chùa Bầu – Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Phủ Lý, Hà Nam
Theo sử sách, chùa Bầu có tuổi đời hơn nghìn năm nằm trong quần thể làng Bầu và chợ Bầu ngày nay. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ xưa và nay. Trong tiếng Hán, chữ Bầu xuất phát từ chữ Biều, nghĩa là vùng đất nổi lên giữa mặt nước.
Trước đây, khu vực chùa Bầu mênh mang sông nước, ở giữa nổi lên một gò đất bên trên có ngôi chùa cổ. Vì thế mọi truyền thuyết ở Hà Nam đều liên quan đến sông nước. Ngày trước chùa Bầu còn có một hồ nước mênh mông có cùng tên gọi.
Giữa hồ có một ngọn tháp uy nghiêm. Hồ có mạch nước ngầm thông với sông Đáy quanh năm đầy ăm ắp nước chẳng bao giờ cạn. Theo thuyết âm dương ngũ hành, chùa tượng trưng cho dương, hồ tượng trưng cho âm sẽ tạo thế cân bằng hài hòa.
Không chỉ thế, chốn chùa chiền là nơi tôn nghiêm, hồ nước trước chùa như nhắc nhở người đời đến chùa phải rửa sạch bụi trần thành tâm vào lễ Phật.
Chùa Bầu nằm trên thế đất cao, được dẫn lối bởi các bậc dốc. Trước khi được tu sửa, chùa chỉ là ngôi nhà ba gian nhỏ. Từ năm 2005 đến 2008, chùa được tu sửa khang trang, bề thế như ngày hôm nay.
Chùa Bầu có kiến trúc hao hao chùa Quán Sứ ở Hà Nội với tam quan 3 tầng mái, chạy xung quanh là hành lang dài và sâu, giữa các gian được nối với nhau bằng cầu đá tạo cảnh quan hài hòa và thanh tịnh.
Chùa có ngôi tam bảo thờ Phật uy nghi được bài trí theo lối truyền thống. Bên cạnh thờ Phật, chùa còn có ban thờ Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian Bắc Bộ. Theo truyền thuyết, khu vực chùa Bầu chẳng bao giờ ngập là do có sự bảo vệ của Đức Pháp Vân Phật, một trong Tứ Pháp, và bà Thủy cung phu nhân.
Trong chùa Bầu vẫn còn lưu giữ 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 tức năm 1663, được các tăng ni bảo quản cẩn thận như minh chứng cho sự nhiệm màu.
Cùng với thời gian, ngôi chùa cũng trải qua nhiều thăng trầm, có khi bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong kháng chiến, chùa trở thành lớp học, trạm xá cùng nhân dân Hà Nam anh dũng chiến đấu. Và do sự góp sức của tăng ni, Phật tử khắp nơi, chùa mới trở thành nơi thờ tự khang trang như ngày nay.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com