Đền Phù Ủng – Lưu mãi công lao danh tướng Phạm Ngũ Lão
Đền Phù Ủng nằm ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên là quần thể di tích có giá trị rất cao, thờ vị tướng “bách chiến bách thắng” Phạm Ngũ Lão, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thế kỷ XIII.
Đền Phù Ủng – Lưu mãi công lao danh tướng Phạm Ngũ Lão
Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phù Ủng huyện Ân Thi, danh tướng đã đóng góp vào vô số chiến công hiển hách vào thời Trần. Thời kỳ hào khí Đông A ở đỉnh cao với 3 lần đánh bại quân Mông – Nguyên.
Hình tượng Phạm Ngũ Lão trong truyền thuyết dân gian là hình mẫu lý tưởng của dân tộc Việt Nam. Con người dù xuất thân ở tầng lớp nào thì khi có tài năng và đức độ sẽ được trọng dụng, người dân ngưỡng mộ, thờ cúng ngàn đời.
Với tài năng kiệt xuất, lại được Trần Quốc Tuấn rèn cặp, tin cậy gả con gái là quận chúa Anh Nguyên, Phạm Ngũ Lão đã mau chóng trở thành vị tướng xuất sắc nhất trong triều đại nhà Trần. Ông có công rất lớn trong đánh đuổi quân Nguyên Mông, quân Ai Lao, quân Chiêm Thành và các tù trưởng phản loạn biên giới.
Vì những công lao to lớn, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Anh Tông thăng chức Điện Súy Thượng Tướng Công chỉ huy quân cấm vệ, bảo vệ kinh thành Thăng Long và ban cho Quy phù, Hổ phù, Vân phù.
Tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ. Vua nghỉ chầu 5 ngày để tiếc thương, đó là ân điển đặc biệt. Để ghi nhớ công lao vị tướng, triều đình đã cho lập đền thờ ông ngay trên nền nhà cũ, đó chính là đền Phù Ủng ngày nay.
Đền Phù Ủng nằm trên khu đất “Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên bên cờ bên kiếm…”. Đền được trùng tu vào thời Nguyễn, gồm khu đền chính thờ Điện súy Thượng tướng công Phạm Ngũ Lão, bên trái là lăng thân phụ Phạm Tiên Công, bên phải có đền Mẫu thờ thân mẫu và Khuê Văn Các hình bát giác. Khu trong có bố cục “Tiền Thần Hậu Phật” gồm đền thờ công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão), chùa Bảo Sơn và lăng quốc công Vũ Hồng Lượng.
Do chiến tranh, ngôi đền chính đã bị đốt phá. Năm 1989, đền Phù Ủng được trùng tu. Khu đền chính có kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế và tòa hậu cung chồng diêm hai tầng tám mái. Tại đây có đặt tượng Phạm Ngũ Lão bằng đồng ngồi trên ngai, mặc áo cẩm bào, đội mũ cánh chuồn.
Khu di tích đền Phù Ủng cổ kính dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và nhiều bia đá ghi công đức của Phạm Ngũ Lão và lưu danh những người đỗ đạt cao qua các triều đại.
Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội độc đáo trong nghi thức rước công chúa Tĩnh Huệ.
Tham gia đoàn rước có các đội cờ lễ, múa lân, rồng, bài vị, đội khiêng kiệu hoa, khiêng kiệu công chúa. Trong lễ rước, hàng nghìn người dân và khách thập phương cùng chui qua gầm kiệu với tâm niệm những ước muốn của mình sẽ trở thành hiện thực trong năm mới.
Sau nghi lễ rước truyền thống từ phủ chúa về đền, dân làng và du khách tổ chức lễ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với đất nước.
Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian và môn thể thao do tướng quân Phạm Ngũ Lão nghĩ ra để rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ, là trò chơi vật cù, cù hình tròn, làm bằng gỗ vuông sơn đỏ. Sân chơi chia làm 2 bên, giữa sân kẻ một vạch ngang, chính giữa vạch đào một lỗ đặt quả dầu, hai đầu sân mỗi bên đào một lỗ.
Mỗi đội có 8 quân và 1 tổng, đầu chít khăn, đóng khố một màu khác nhau. Trước khi chơi, hai đội xếp thành hai hàng làm lễ trước cửa đền. Trọng tài cầm quả cầu đặt ở hố giữa sân, phát hiệu lệnh, hai bên giành nhau cướp bỏ vào lỗ của đối phương, bên nào cho vào lỗ của bên kia là thắng cuộc.
Những năm gần đây, lễ hội đền Phù Ủng còn có các hoạt động: chọi gà, múa rối, kéo co, xin chữ đầu xuân, nhảy mô đống, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng…
Năm 1988, đền Phù Ủng được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm, lễ hội truyền thống của đền được tổ chức trang trọng, không chỉ là dịp tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ ý chí, sự kiên trì, dũng cảm…
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com