Hang Múa – Điểm check-in nổi tiếng trong lòng di sản Tràng An
Hang Múa là điểm du lịch hấp dẫn nằm trong vùng lõi quần thể di sản thế giới Tràng An. Hang Múa thuộc núi đá vôi ở thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Hang Múa – Điểm check-in nổi tiếng trong lòng di sản Tràng An
Với cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, hang Múa được đánh giá là điểm sống ảo được yêu thích. Điểm nhấn của khu du lịch hang Múa là con đường dẫn lên đỉnh núi Múa được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Vạn Lý Trường Thành với gần 500 bậc thang đá.
Hang Múa có đặc điểm địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng núi đá vôi có tuổi đời hàng triệu năm. Từ hang Múa, du khách có thể di chuyển dễ dàng đến các địa danh khác trong tuyến du lịch Ninh Bình như Tràng An, Thung Nham, Tam Cốc – Bích Động, đầm Vân Long…
Hang Múa mới được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2000, lúc này hang được biết đến với đỉnh núi Múa khi có đài quan sát, là đài quan sát tự nhiên duy nhất ở Ninh Bình cao 142m và rộng 800m vuông.
Theo thời gian, con đường lên núi Múa mang vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong. Trên đỉnh núi là những ngọn tháp có kiến trúc giống những ngọn tháp trong các đình chùa với đỉnh nhọn, mái cong uốn vòm.
Ngay đầu đường dẫn lên núi là hình rồng được tạo dựng tinh tế như mời gọi du khách chinh phục con đường lên tới đỉnh núi. Trên đỉnh núi là hình tượng rồng chầu phía sau tượng Phật Bà Quan Âm. Con rồng trên đỉnh núi không chỉ chầu Phật bà mà cũng là con rồng “cao nhất” Ninh Bình và tạo nên kiến trúc độc đáo trên đỉnh núi Múa.
Hai bên đường dẫn lên đỉnh núi còn xuất hiện nhiều hình tượng các con vật như nghê, đại bàng… những con vật trong văn hóa kiến trúc tâm linh của người Việt. Những con vật này được đặt trên các trụ đá dọc đường đi tạo thêm nét đặc biệt gây ấn tượng với du khách.
Trên đỉnh núi Múa có một ngọn tháp nhỏ ngay bên vực với kích thước nhỏ gọn, nằm ở vị trí cao, thông thoáng có phong cảnh hùng vĩ. Ngọn tháp trên đỉnh núi Múa được xây dựng theo kiến trúc bảo tháp Phật giáo thường gặp ở Ấn Độ, Mông Cổ, Lào, Thái Lan…
Tháp có đế hình vuông biểu tượng cho đất, phần bầu tròn biểu tượng cho nước, phần các nón nhọn hướng lên trời biểu tượng cho lửa, phần lọng che biểu tượng cho gió, phần trên cùng biểu tượng cho Không Đại.
Hình con vật giống sư tử chính là nghê, một trong 9 người con của rồng. Đây là một con vật phổ biến trong kiến trúc các công trình tôn giáo ở Việt Nam cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Bức tượng chim xuất hiện trên đỉnh cột ở đường dẫn lên đỉnh núi múa là chim đại bàng, biểu tượng cho sự trấn áp và sức mạnh uy quyền. Trên đỉnh núi Múa còn đặt một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.
Theo truyền thuyết, vua Trần Thái Tông khi về vùng Hoa Lư lập am Thái Vi thường tới đây để nghe các mỹ nữ, cung tần múa hát. Hang Múa cũng là một trong những địa điểm có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam. Không chỉ vậy, hang động dưới chân núi Múa còn là bệnh viện lưu động trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com