Những điều có thể bạn chưa biết về Hồ Con Rùa Sài Gòn
Hình ảnh Hồ Con Rùa Sài Gòn đã quá quen thuộc với các bạn trẻ, khi nó là nơi lý tưởng để tụ tập, hẹn hò, tán gẫu của những nhóm bạn vào dịp cuối tuần. Nhưng có những điều thú vị về Hồ Con Rùa ít ai biết được. Hãy cùng iVIVU đi ngược dòng thời gian để khám phá sự thật đằng sau cái tên “Hồ Con Rùa” nhé!
Hồ Con Rùa Sài Gòn hay được gọi với tên chính thức là công trường Quốc Tế, có vị trí đắc địa ngay nút giao giữa ba con đường sầm uất Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân tạo thành bùng binh nhộn nhịp giữa lòng Sài Gòn.
Ban đầu, vào năm 1790, hồ này được vua Gia Long yêu cầu xây tại cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy). Sau đó, khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (từ 1833-1835) bị dẹp tan, vua Minh Mạng đã hạ lệnh phá thành Bát Quái và xây dựng một ngôi thành nhỏ hơn tên là thành Phụng khiến cho vị trí của cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài vòng thành, nối thẳng con đường ngoài của mặt Tây thành xuống bến sông.
Đến khi Pháp chiếm được Sài Gòn năm 1859, họ đã phá hủy toàn bộ thành Gia Định và xây một tháp nước tại vị trí Hồ Con Rùa này để cung cấp nước uống cho người dân trong vùng. Đến năm 1921, do không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước nữa nên tháp nước này bị phá bỏ và con đường xung quanh được mở rộng nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) rồi trở thành giao lộ của các tuyến đường cho đến ngày nay.
Tại vị trí này, một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng với hồ nước nhỏ đã được xây dựng để thể hiện biểu tượng của người Pháp làm chủ Đông Dương và được người dân địa phương gọi nó là công trường Ba hình. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956 thì bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ và đổi tên thành công trường Chiến sĩ.
Hồ Con Rùa được xây dựng trong khoảng từ năm 1965 đến 1967 dưới sự thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ, được trùng tu lại từ năm 1970 đến 1974 với một bức tượng con rùa bằng hợp kim đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước công nhận Việt Nam Cộng Hòa nên mới có tên gọi thân thương là Hồ Con Rùa. Mặc dù vào đầu năm 1976 (hay 1978), tấm bia và con rùa đã bị phá hủy trong một vụ nổ, nhưng người dân vẫn quen gọi là Hồ Con Rùa thay cho tên gọi chính thức.
Người dân quen gọi bằng cái tên dân gian này dựa theo thiết kế của hồ bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng 100m, trang trí bởi cây xanh cùng hồ phun nước hình bát giác. Xung quanh là 4 lối đi bộ xoắn ốc hướng đến đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim có đỡ trên lưng bia đá lớn.
Đài ở trung tâm được tạo nên bởi 5 cột bê tông cao 34 mét, có dạng năm bàn tay xòe ra đón đỡ giống như các cánh hoa đón đỡ nhụy hoa. Tuy nhiên, có một số người lại cho rằng kiến trúc của tòa tháp giống như chiếc đinh đóng vào đuôi rồng, ghim chặt nó lại, không cho nó quẫy đuôi, để sự nghiệp phát triển, ổn định.
Xung quanh hồ là nơi tập trung các cửa hàng ăn uống nhộn nhịp, đặc biệt là những hàng quán ăn vặt tại Hồ Con Rùa. Những món ẩm thực phong phú tại đây còn là nguồn cảm hứng cho những vlogger nổi tiếng review du lịch, ẩm thực Sài Gòn.
Dù chỉ là những chiếc xe đẩy giản dị nhưng tại đây có vô vàn các món ăn vặt được các bạn trẻ yêu thích như: bắp xào, bánh tráng nướng, trứng gà nướng, bò khô, kem, cá viên chiên, gỏi khô bò, bánh tráng trộn…
Hồ Con Rùa ngày nay được nhiều người dân Sài Gòn yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ, nhờ không gian mát mẻ trong lành với cây xanh, đặc biệt lung linh ánh đèn về đêm và có view ngắm đài phun nước nhiều sắc màu vào cuối tuần.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com