Làng nghề đúc đồng Đại Bái – Nơi sản xuất đồ đồng nổi tiếng tinh xảo ở Bắc Ninh
Làng nghề đúc đồng Đại Bái thuộc huyện Gia Bình là ngôi làng nổi tiếng với những sản phẩm đồ đồng tinh xảo. Ngày nay nghề đúc đồng ở làng vẫn phát triển mạnh mẽ và kỹ thuật đúc không ngừng hoàn thiện.
Làng nghề đúc đồng Đại Bái – Nơi sản xuất đồ đồng nổi tiếng tinh xảo ở Bắc Ninh
Theo tài liệu thư tịch cổ, nghề gò, giát đồng ở Đại Bái có từ đầu thế kỷ 11, ông tổ nghề là Nguyễn Công Truyền (989 – 1069). Bắt đầu từ nghề đúc đồng thau, ông tổ nghề đã truyền dạy cách đúc các vật dụng dân dụng như thau, xoong, nồi, chảo…
Làng nghề đúc đồng Đại Bái có 4 xóm: xóm Sơn, xóm Tây, xóm Giữa và xóm Ngoài. Thế hệ thứ 2 làng nghề có 5 người làng đỗ đạt ra làm quan, quan tâm đến nghề truyền thống của quê hương đã chuyên môn hóa làng nghề.
Kể từ đó 4 xóm làm 4 nghề khác nhau. Xóm Ngoài làm nghề gò nồi đồng; xóm Tây làm mâm, chậu; xóm Giữa làm siêu đun nước và niêu con; xóm Sơn làm âu đựng trầu và các đồ thờ cúng.
Ngày nay dù đã xuất hiện máy móc, nhưng 4 thôn vẫn phân chia như xưa. Nhờ có sự phân công như vậy mà làng Đại Bái vẫn phát triển, đạt đến sự chuyên môn hóa chặt chẽ. Những kỹ thuật luyện đồng càng điêu luyện, pha chế đồng đạt tới độ chuyên sâu, sản phẩm ngày càng đa dạng.
Đến tham quan làng nghề đúc đồng Đại Bái chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ đồng. Ngoài việc chế tác thủ công truyền thống, việc tiếp cận các công nghệ chế tác hiện đại giúp làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, năng suất cao được thị trường ưa chuộng.
Nếu trước kia làng Đại Bái chỉ sản xuất đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đồ thờ, tranh chạm khảm, hoành phi, câu đối… đòi hỏi kỹ thuật cao, xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Á, Đông Nam Á.
Các sản phẩm luôn có giá thành tốt và độ bền cao, lưu giữ được giá trị nghệ thuật. Và không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ lên bề mặt sản phẩm cho thêm phần sinh động.
Bên cạnh đó, làng nghề đúc đồng Đại Bái còn giữ được nhiều di tích lịch sử – văn hóa như: khu lăng tổ sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc và lễ hội truyền thống, nơi tôn vinh các sản phẩm từ đồng, tôn vinh những người gắn bó và tâm huyết với nghề.
Với nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng đã và đang góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái ngày càng khởi sắc, vươn xa.
Dù trải qua không ít những thăng trầm, làng nghề đúc đồng Đại Bái ngày càng mở rộng và phát triển. Nghề đồng đang bước sang giai đoạn mới, góp phần nâng cao đời sống người dân với các hợp tác xã cùng sự cải tiến kỹ thuật, cải tiến máy móc và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com