Linh thiêng Đền Đô – Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua nhà Lý
Khu đền thờ tám vị vua nhà Lý là di tích nổi bật về văn hóa, lịch sử và cả sự linh thiêng ở phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Mỗi năm, Đền Đô đón rất nhiều lượt du khách đến chiêm bái, đặc biệt là vào những ngày xuân.
Linh thiêng Đền Đô – Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua nhà Lý
“Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”. Cổ Pháp chính là khu vực Đền Đô, là nơi phát tích của nhà Lý – một trong những triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến. Do đó có thể nói nơi đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất thiêng.
Đền Đô được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Thái Tổ lên ngôi và trở về thăm quê hương. Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp vua. Khi vua băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi đã chọn ngôi nhà xưa làm nơi thờ tự vua cha, từ đó đền trở thành nơi thờ các vị vua nhà Lý.
Được xây dựng theo cấu trúc của “kinh đô”, Đền Đô có diện tích 31.250 mét vuông chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành với nhiều công trình như nhà văn chỉ, nhà võ chỉ, hậu cung, nhà tiền tế, nhà thủy đình, hồ bán nguyệt, khu nhà bia, bức chiếu dời đô…
Sau hàng trăm năm, Đền Đô là nơi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng bắt đầu lễ rước “Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long” theo nghi lễ cổ truyền.
Cổng vào nội thành đền là Ngũ Long Môn với hai cánh cổng chạm khắc năm con rồng. Mỗi khi cổng mở ra, năm con rồng sẽ bay lên cao vút. Trung tâm Đền Đô là khu chính điện có điện thờ vua Lý Thái Tổ với hai con hạc chầu hai bên.
Hai bên cổng chính nội thành Đền Đô, phía bên trái ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, một sự trùng hợp bất ngờ. Phía bên phải là bài thơ – bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” với chiều cao 3,5 mét, rộng hơn 8 mét, làm bằng gốm Bát Tràng. Đây là bức chiếu thư bằng gốm lớn nhất Việt Nam.
Trung tâm của khu nội thành cũng là chính điện. Chính điện gồm phương đình 8 mái 3 gian rộng đến 70 m². Phía sau ngôi chính điện là nhà hậu cung rộng 220 mét vuông, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua. Trong nội thất đền còn có nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ.
Khu ngoại thất Đền Đô gồm nhà vuông, nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng). Hai bên tả hữu thờ những quan văn và quan võ tiêu biểu. Nhà văn chỉ nằm bên trái khu nội thành thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành. Nhà võ chỉ bên phải khu nội thành thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc.
Phía đông đền có nhà bia đặt “Cổ pháp điện tạo bia”. Tấm bia đá cao 190 cm, rộng 103 cm và có độ dày 17 cm, được khắc năm 1605. Bia có hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh khắc hình tượng hào quang. Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán, có xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng 1.500 chữ.
Trước cửa đền là nhà thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, là nơi để các chức sắc xưa xem biểu diễn rối nước. Thủy đình xưa đã được ngân hàng Đông Dương chọn làm hình ảnh in trên tờ giấy bạc năm đồng. Và từ năm 2003, nhà nước chọn in nhà thủy đình lên đồng tiền kim loại 1000 đồng.
Để tưởng nhớ triều đại nhà Lý và củng cố sự đoàn kết của cộng đồng làng xã, vào ngày 14, 15, 16/3 âm lịch hàng năm, Đình Bảng lại mở hội Đền Đô. Tháng 3 năm 2015, cùng với khu lăng mộ, Đền Đô đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com