Chùa Vĩnh Nghiêm – Tìm về chốn an yên giữa lòng Sài Gòn
Chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những ngôi chùa tại Sài Gòn thu hút lượng lớn khách địa phương lẫn khách thập phương đến hành hương, chiêm bái lễ Phật. Cùng iVIVU tìm về ngôi chùa an yên và thanh tịnh giữa lòng phố thị nhé!
Chùa Vĩnh Nghiêm – Tìm về chốn an yên giữa lòng Sài Gòn
Địa chỉ: Số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa theo Phật giáo Bắc Tông (hệ phái Đại Thừa) rất nổi tiếng ở Sài Gòn, được xây dựng theo nguyên mẫu của ngôi cổ tự cùng tên ở Bắc Giang vào năm 1964 và bắt đầu hoạt động từ năm 1971 đến nay.
Cùng với chùa Pháp Hoa, chùa Giác Lâm, chùa Xá Lợi, chùa Hoằng Pháp, chùa Vĩnh Nghiêm được xem là một trong những ngôi chùa đặc biệt ở Sài Gòn với một không gian bình yên và thanh tịnh giữa lòng Sài Gòn xô bồ.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào năm 1964 và hoàn thành năm 1971. Ngôi chùa rộng hơn 6000 mét vuông với kiến trúc mái ngói cong vút, cùng những đường chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi năm. Chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn là công trình do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và các cộng sự thiết kế, vẽ kiểu. Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng là người gắn liền với hàng loạt công trình văn hóa, tâm linh ấn tượng ở Việt Nam như: chùa Một Cột, đình Trấn Ba, đền Ngọc Sơn, đền Lý Quốc Sư, cầu Thê Húc,…
Năm 1971, chùa Vĩnh Nghiêm hoàn thành các hạng mục cơ bản, bao gồm: tòa nhà trung tâm, tháp Quán Thế Âm, cơ sở hoạt động xã hội, và chính thức đi vào hoạt động. Về sau, chùa lần lượt xây thêm các công trình khác như: tháp Xá lợi cộng đồng, tháp Vĩnh Nghiêm, phương trượng đường, khách đường,…
Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn đón nhận quả đại hồng chung Hòa Bình do chùa Entsu-in, thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến trước năm 1975, để cầu nguyện cho Việt Nam sớm kết được hòa bình.
Cổng tam quan chùa Vĩnh Nghiêm khá đồ sộ, có thiết kế truyền thống với mái ngói đỏ và những họa tiết uốn cong. Hai bên cổng chùa là hai câu đối được chạm trổ tinh tế, phía trên là dòng chữ “chùa Vĩnh Nghiêm” màu vàng.
Tòa nhà trung tâm
Phật điện có kiến trúc chữ “công” với các góc mái cong theo kiểu chùa miền Bắc. Giữa nóc Phật điện là bánh xe pháp luân và các linh thú ở các góc mái chùa.
Phật điện được chia ra ba không gian: bái điện, bản điện, và địa tạng đường, là những nơi đặt bàn thờ Phật và các vị Bồ Tát. Ngoài ra, còn có tranh các vị La Hán và tượng Kim Cang. Ngoài ra, tòa nhà trung tâm còn có phần tầng trệt với một phần nằm dưới sân thượng, một phần nằm dưới Phật điện.
Tháp Quán Thế Âm
Tháp Quán Thế Âm là một ngôi bảo tháp cao 7 tầng nằm bên trái Phật điện. Đỉnh tháp có 9 bánh xe và những khối tròn tượng trưng cho long xa và quy châu. Với chiều cao 40m và kiến trúc cầu kỳ, tháp Quán Thế Âm được đánh giá là một trong những bảo tháp đồ sộ nhất ở Việt Nam.
Tháp Xá lợi cộng đồng
Tháp Xá lợi cộng đồng được xây vào năm 1982 và hoàn thành năm 1984, làm nơi đặt di cốt của Phật tử. Ngôi tháp có 4 tầng, cao 25m, được xây phía sau, bên trái Phật điện.
Tháp Vĩnh Nghiêm
Công trình này được khánh thành vào năm 2003, cao 14m, và được làm hoàn toàn bằng đá. Tháp Vĩnh Nghiêm được dựng để tưởng nhớ hai vị hòa thượng có công xây chùa, và được xem là ngôi tháp đá đầu tiên ở miền Nam, và lớn nhất, cao nhất Việt Nam.
Những lưu ý khi đến chùa Vĩnh Nghiêm
Khi đi qua cổng tam quan, nên đi vào bằng cửa bên phải (giả quan) và đi ra bằng cửa bên trái (không quan). Cửa ở giữa (trung quan) chỉ dành cho cao tăng, thiên tử.
Tuân giữ các nguyên tắc về ăn mặc cũng như giao tiếp, ứng xử khi đang đi tham quan chùa.
Khi đến chùa đi lễ nên hạn chế việc đốt vàng mã để giữ không khí thoáng đãng.
Đến chụp ảnh ở chùa du khách nên tạo dáng hợp lý, tránh cười đùa to.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com