Độc đáo những bảo vật Quốc gia trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Hưng Yên
Hưng Yên là vùng đất văn hiến, nơi lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 6 hiện vật đã được công nhận là bảo vật Quốc gia. Đây đều là những hiện vật gốc, độc bản, mang dấu ấn văn hóa, thẩm mỹ của từng thời kỳ.
Độc đáo những bảo vật Quốc gia trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Hưng Yên
Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn
Bức tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn nằm trong chùa Mễ Sở được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2018. Tượng có niên đại vào thế kỷ 19, cao 2,8m được chế tác bằng gỗ mít phủ sơn ngồi trên tòa sen trong tư thế thiền định với bàn chân phải đặt ngửa lên đùi trái.
Khuôn mặt tượng thanh thoát, đôn hậu, thân hình thon thả, đôi tai dài, lông mày cong, mắt khép hờ nhìn xuống, tóc chải ngược lên đỉnh búi thành cuộn, đầu đội mũ Thiên Quan. Tượng có 42 tay lớn và 1004 tay nhỏ, bên dưới bệ ngồi Quan Âm chứa đầy sóng gió, thể hiện sự cứu độ chúng sanh của Phật.
Pho tượng được các nghệ nhân xưa tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc nghệ thuật thủ công truyền thống hết sức công phu, tiêu biểu cho nền mỹ thuật đầu thế kỷ 19.
Điểm khác biệt của tượng này với tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp là đôi tay trên cùng chụm lại nâng đỡ đài sen phía trên có tượng Phật nhỏ. Điểm nhấn độc đáo nữa của tượng là có thêm một đôi tay phổ lễ phía sau lưng, tạo không gian mở đa chiều, tạo sự thân quen và trang nghiêm của vị thần thánh.
Tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng
Chùa Hương Lãng là công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Giá trị đặc sắc nhất còn được lưu giữ ở chùa là hệ thống hiện vật thời Lý, nổi bật là bảo vật Quốc gia tượng sư tử đá (tượng Ông Sấm) được đặt ở hậu cung chùa.
Tượng sư tử đá được tạo tác từ đá nguyên khối thể hiện linh vật sư tử với tư thế phủ phục trên bệ đá, đầu đội đài sen tạo thành bệ đá lớn. Bệ đá hoa sen có chiều dài 4,2m, chiều rộng 3,5m, cao 1,15m được ghép từ những viên đá vuông chạm khắc hình hoa sen mềm mại.
Khuôn mặt sư tử đá vừa hiện thực vừa có chất trang trí, chất hiện thực là vẻ dũng mãnh của loài vật rừng sâu. Phía sau tượng được thể hiện căng tròn và trang trí dày đặc những hoa văn. Chòm lông đuôi và tấm lá chắn phủ trên thân tạo thành hình ba vòng xoắn ốc lớn lật qua lật lại rất cân xứng.
Hệ thống thành bậc đá đồ sộ nằm ở phía trước Phật điện chùa Hương Lãm được tạo tác từ những tảng đá nguyên khối chạm trổ hình chim phượng, mây và hoa tinh tế. Nhưng hệ thống thành bậc đá này không còn nguyên vẹn.
Thành bậc đá dùng làm tay vịn này dù không còn nguyên vẹn nhưng mức độ cầu kỳ là minh chứng cho tầm vóc của chùa Hương Lãng khi mới xây dựng. Và xác lập sự vững vàng của phong cách tạc tượng thời Lý.
Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”
Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” đang được lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ và đã được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2020. Bia có niên đại từ thời Lý năm 1157, bia có lối trang trí hình chim phượng, hoa văn sóng nước.
Bia là một trong 18 tác phẩm Di văn Kim thạch do Lê Quý Đôn ghi chép trong Kiến văn tiểu lục. Một số chi tiết trang trí trên bia có sự khác biệt so với các tấm bia đá cùng thời, có hình thức thể hiện độc đáo, phong cách trang trí có phần tự do hơn. Hoa văn có xu hướng giản đơn nhưng lại có nét mới.
Bộ đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ
Bộ đĩa vàng thời Lý được tìm thấy tại thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá huyện Kim Động vào năm 1965. Bộ sưu tập gồm 5 đĩa vàng đều được chế tạo bằng cách dát mỏng, chạm trổ trên khuôn cánh kiến theo phương pháp cổ truyền. Trọng lượng của 5 đĩa vàng là 1,712kg. Họa tiết trang trí chủ yếu hình chim phượng, hoa cúc.
Tháp đất nung đền An Xá
Tháp được tạo hình bằng đất nung, là tác phẩm tiêu biểu của nền nghệ thuật thế kỷ 17. Tháp cao 4,5m, bệ vuông với kích thước 2m khá hoàn hảo với kỹ thuật gia công được tính toán chính xác đến từng chi tiết.
Dân gian vẫn thường gọi là tháp Cửu Trùng (tháp chín tầng). Tuy nhiên theo các nhà văn hóa, kiến trúc tháp này là 10 tầng và mang những ý nghĩa triết học khác hoàn toàn với những tháp khác.
Tháp vừa có kiến trúc độc đáo vừa có lối điêu khắc tinh xảo mang nhiều ý nghĩa trong đời sống dân gian. Theo ghi chép ở viên gạch trên tháp, thì tháp được trùng tu vào triều đại Lê Huyền Tông năm Đinh Mùi 1667. Đến năm 200, tỉnh Hưng Yên tiếp tục trùng tu lại như ngày nay.
Bảo vật Quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người Hưng Yên mà nó còn khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng quê văn hiến. Những hiện vật quý này giúp các thế hệ sau hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển rực rỡ của dân tộc, nâng cao lòng yêu nước trong mỗi cá nhân.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com