Top 10 phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc vùng Tây Bắc
Trong bài viết này, hãy cùng iVIVU tìm hiểu top 10 phong tục đón Tết vô cùng độc đáo, nét văn hóa thú vị của bà con các dân tộc khu vực Tây Bắc.
Top 10 phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc vùng Tây Bắc
1. Tục hát thi với gà trống của người Pu Péo
Một phong tục đón Tết nghe có vẻ khá kỳ lạ của người dân tộc Pu Péo. Trong đêm Giao thừa, người Pu Péo sẽ thức để canh chừng chú gà trống của nhà mình. Ngay khi chú gà trống này vỗ cánh cất tiếng gáy, họ sẽ đốt một quả pháo ném vào chuồng để khiến những chú gà hoảng loạn và thi nhau nhảy lên gáy.
Khi những tiếng gà gáy bắt đầu vang vọng, người Pu Péo cũng theo đó mà hát ca. Đối với họ, tiếng gà gáy là dấu hiệu để đánh thức mặt trời, khởi đầu một ngày mới tốt lành. Do đó tục lệ này xuất hiện, ai hát to, hát khỏe át được tiếng gáy thì năm mới ắt sẽ gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc.
2. Tục thờ bát nước lã của người Pà Thẻn
Phong tục đón Tết thờ bát nước lã của người Pà Thẻn được thực hiện vào đêm 30 Tết một cách vô cùng bí mật. Mọi gia đình người Pà Thẻn đều đóng kín cửa, sau đó chủ nhà lấy bát nước trên ban thờ xuống cọ rửa, lau chùi, làm lễ xin nước mới. Theo tín ngưỡng của người Pà Thẻn, nếu phong tục đón Tết này bị người khác biết thì trong năm mới gia đình sẽ làm ăn vất vả, con cái ốm đau.
Bát nước được đặt trên ban thờ, đậy kín nắp, vào cuối tháng 6 gia chủ mới được mở ra xem và tiếp thêm nước lã cho đầy bát. Nếu bát nước thờ vơi ít thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, gia đình mạnh khỏe, thuận lợi sản xuất.
3. Đánh thức gia súc cùng đón Tết của người Lô Lô
Đối với đồng bào các dân tộc miền núi, gia súc là một phần rất quan trọng trong kinh tế gia đình. Cũng từ đó, người Lô Lô có phong tục đón Tết là đánh thức gia súc cùng đón năm mới. Ngoài ra, họ cũng sẽ làm một lễ cúng tại nhà để cầu chúc cho năm mới.
4. Người Lô Lô đi ăn trộm để lấy may
Người Lô Lô quan niệm rằng, thời khắc sang năm mới nếu ai đó mang về nhà được một chút gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, mà chỉ là củ hành, củ tỏi, thanh củi. Người đi lấy may không đi công khai, không rủ nhau đi, không muốn chủ nhà bắt được. Ai cũng đi âm thầm, lặng lẽ, gặp người quen cũng không chào hỏi. Thế nhưng nhỡ có bị chủ nhà bắt được thì họ cũng không bị trách móc gì.
5. Người Tày lấy nước giếng vào ống tre mang đi thờ
Vào thời khắc Giao thừa, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang ống tre đến mỏ hoặc giếng để lấy nước mang về đặt trên bàn thờ. Người đến giếng nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm. Theo quan niệm của họ, ống nước được đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.
6. Tết nhảy của người Dao
Vào những ngày đầu xuân, tại khắp các bản người Dao, nhà nhà người người đều chuẩn bị các bộ quần áo đẹp nhất, những vũ điệu tuyệt vời trước Tết cả tháng. Đến ngày Tết, các gia đình sum vầy tại nhà tộc trưởng và cùng nhau làm lễ cúng tổ tiên. Đến giờ thìn các điệu nhảy bắt đầu, các thanh niên sẽ nhảy theo thầy cả.
Có tất cả 14 điệu nhảy, họ dùng gươm đao bằng gỗ để múa trong tiếng trống tiếng khèn vang động. Các điệu múa diễn tả lại cảnh lao động của những người dân địa phương hàng ngày như điệu nhảy chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao, điệu mô phỏng cò bay, dang hai tay vẫy vẫy nhịp nhàng, hay có điệu diễn tả điệu đi của hổ,… Cứ thế các điệu nhảy nối tiếp nhau, kéo dài tới 10 tiếng.
7. Gọi vía trâu về ăn Tết của người Mường
Phong tục đón Tết này có ý nghĩa rất nhân văn, thể hiện lòng biết ơn của con người đối với con vật đã giúp đỡ gia chủ lao động cả năm. Đặc biệt người Mường quan niệm rằng, sau một năm làm lụng vất vả, con trâu hay cái cày đều phải được nghỉ ngơi. Từ mấy ngày trước Tết, họ sẽ chuẩn bị sẵn chiếc mõ, qua giao thừa thì đi đốt đuốc để gọi vía trâu về.
8. Tục gọi hồn của người Thái
Vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình người Thái sẽ thịt hai con gà, một con cúng tổ tiên, một con để gọi hồn cho những người trong nhà. Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu rồi vắt lên vai. Tay thầy cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng thực hiện nghi thức gọi hồn.
Sau khi gọi khoảng hai đến ba lần, thầy cúng sẽ về chân cầu thang của gia đình này gọi thêm lần nữa. Cuối cùng thầy buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.
9. Tục vỗ mông của người H’Mông
Vào những ngày đầu năm, người H’Mông sẽ mở hội và tổ chức rất nhiều trò chơi. Đây cũng là dịp trai gái hẹn hò, giao duyên. Khi ấy, nếu chàng trai muốn tỏ tình với một cô gái, anh ta sẽ tiến lại và vỗ vào mông cô. Nếu cô ưng thuận, cô sẽ vỗ lại mông chàng trai. Nếu họ phải lòng nhau, theo tục lệ phải vỗ mông đủ 9 cái trước sự chứng kiến của mọi người và chính thức thành đôi.
10. Lễ gội đầu của người Thái trắng
Từ trưa ngày cuối cùng trong năm, tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu, với mong muốn xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm. Họ còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ, rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com